top of page

Chị Ong Nô: Cá tính bản thân VS kì vọng của ba mẹ

Updated: Oct 30, 2023

Em muốn gửi đến chị vài nỗi sợ của em, mong chị sẽ đón nhận sự "hơi" tiêu cực này. Tuổi em sẽ giấu nha, em muốn nói về vấn đề phong cách ăn mặc của em. Em không hẳn là một cô tomboy, phong cách của em là đơn giản đến mức gần như là tối giản luôn ạ. Chị cứ hình dung như thế này, em thích mặc quần baggy ống rộng, áo thun, boots cổ thấp đế cao.
Ở nhà em thường mặc mấy cái phông rộng rộng với cả quần đùi, hiện em để mullet và định nuôi dài để uốn hippie trong tương lai. Nhưng vấn đề ở đây là mẹ em muốn em mặc váy, mẹ thường cho rằng em như bây giờ là một sự bede hóa vì em đọc BL. Ba em thì cứ hay nói kiểu "Mày nghĩ mày bede thì mày sẽ bede." và điều đó khiến em khá ức chế.
Em ghét định kiến của mọi người về cách xử sự, ăn mặc. Em là một người rất thích tranh luận, phản biện, em là con con khỉ ENTP sôi nổi, giỏi giao tiếp, hướng ngoại, đôi khi tính em rất cứng rắn.
Cũng vì các khuôn mẫu mà mọi người xung quanh đặt ra mà em rất ngại đi chơi với gia đình, em sợ đến mức không dám mặc quần jean với áo sơ mi mà mẹ mua, em không thích việc chụp hình với gia đình mỗi dịp đi chơi lắm. May mắn là bạn bè của em thì hiểu em và không phán xét nhiều về điều này, em thật sự rất quý họ.
Em khá nhạy cảm, không phải dễ khóc nhưng có một số việc liên quan tới bạn bè hay gia đình thì em nhanh khóc, thậm chí em có thể khóc khi bị nghi oan trong lúc em tranh cãi (đơn cử ba em - người hay la mắng theo kiểu lớn tiếng và hay chửi trước khi biết rõ sự việc) tuy vậy thì em cũng dễ hết giận.
Em là bisexual, tính cách thi thoảng sẽ khá ngông cuồng. Em thường hay có suy nghĩ khi nào tự chủ tài chính rồi mới sống thật với bản thân, mới làm điều mình thích, nhưng chính suy nghĩ này khiến em mệt mỏi rất nhiều. Không phải lúc nào gia đình cũng cấm cản em, mẹ biết em thích đàn guitar thì cho em đi học (dù lúc đó mẹ đã nói sao con gái mà không học piano cho dịu dàng), mẹ cũng ủng hộ sở thích viết lách của em.
Cơ mà có một lần, dì em đã hỏi em muốn trở thành con trai không (em không phải trans, đa số thời gian em chỉ ở trong trạng thái trung tính), có lẽ vì cách em mặc đồ, mẹ biết và đã rầy em cả đêm hôm đó.
Chị ơi, em thật sự không biết phải làm sao để loay hoay trong cái cảm xúc và suy nghĩ chỉ có thể sống thật khi đã tự chủ tài chính (vì những gì ba mẹ bỏ ra cho em không phải là ít), em muốn ăn mặc theo cá tính của mình, em phải làm sao đây chị?
Cảm ơn vì chị đã lắng nghe em.
 

Chào em,


Chị đoán là em học đại học, vì hồi đại học chị cũng có những suy nghĩ tương tự như em vậy. Có khác thì chắc là khi ấy chị vẫn chưa rõ mình thích gì và hướng ngoại như em.


Nói về chuyện quần áo và phong cách thì để chị nói cho em cái này để em thấy nhẹ nhàng hơn ngay nhé. Lên tới 30 tuổi thì đến cả người khó chịu nhất (ví dụ như ba mẹ em) cũng sẽ không nói gì nhiều nữa đâu. Cơ bản là nếu đủ cứng đầu thì những người khác sẽ chịu thua ấy. Nhưng đó là chuyện tương lai khá xa, còn giải pháp cho tương lai gần thì chị nghĩ tốt nhất là nên có một sự nhường nhịn từ hai phía. Chẳng hạn như khi đi với gia đình thì em sẽ mặc một chiếc áo mẹ mua mà em không quá ghét; hoặc nói với mẹ là sẽ không bao giờ mặc váy đâu, nhưng sẽ chọn đồ phù hợp gu thẩm mỹ của cả hai hơn khi cần. Việc em muốn mẹ chấp nhận em dễ dàng 100% cũng giống như mẹ muốn em theo mẹ dễ dàng 100% vậy, bất khả thi lắm.


Chị thấy như vầy nè: Sự nhường nhịn và thoả hiệp chính là thứ sẽ làm cuộc đời em dễ chịu hơn sau này. Sau bao năm lên bờ xuống ruộng thì chị đã nghiệm ra được như vậy đó.


Thật ra chuyện quần áo chỉ là symtomp của một thứ sâu và dễ làm em/mẹ sợ khi nghĩ đến hơn thôi. Đối với em, quần áo chính là con người, cái tôi của em; nên sự chối từ của mẹ cũng giống như chối từ bản thân em vậy. Còn với mẹ thì quần áo chính là nơi đầu tiên mẹ nhìn thấy được sự khác biệt của em so với cô bé mà mẹ vẫn kì vọng; nên điều đó làm mẹ sợ và muốn kiểm soát mọi thứ hơn.


Đây là một giai đoạn khá nhạy cảm cho cả gia đình đó em.


Chị đoán là em vẫn nghĩ về ba mẹ như những thực thể rất cao xa, luôn biết mình đang làm gì. Ý nghĩ là họ sợ và bối rối là rất xa lạ. Nhưng tin chị đi, ba mẹ sợ và bối rối nhiều hơn mình nghĩ. Mà người Việt, nhất là người lớn thì thường không biết, cũng như không muốn thể hiện nó ra trước mặt con cái. Những cảm xúc đó sẽ được bộc lộ dưới dạng cơn giận (mẹ em) hoặc né tránh (ba em).


Em không thể xoa dịu nỗi sợ bằng cách tranh luận, phản biện hay chạy trốn khỏi vấn đề hoàn toàn đâu. Việc muốn tự chủ tài chính rồi làm những gì mình thích chính là né tránh vấn đề đó. Trước đây chị cũng đã nghĩ khi tự chủ tài chính rồi thì mình có thể hoàn toàn tách biệt ra khỏi gia đình, chỉ có như vậy mình mới được sống đúng với bản thân mình thôi. Song chị phát hiện ra rằng cuộc sống không gọn gàng như mình đã nghĩ, và mình cũng là một đứa Á Đông chứ không phải tây. Gia đình sẽ luôn luôn là một phần rất lớn đối với mình, dù mình có muốn hay không.


Sợ và bối rối chỉ có thể được xoa dịu bởi cảm giác chắc chắn, an toàn. Bất kể người sợ đó còn trẻ hay đã một đầu tóc bạc. Same thing với người đem lại sự chắc chắn an toàn, tuổi tác thật sự không quan trọng. Ba mẹ em đang sợ là đứa con gái họ rất thương sẽ trở thành một người lạ, sẽ rời xa họ. Đây chính là nơi để em thể hiện mình là người lớn rồi nè. Hãy cho họ thấy là phong cách mặc đồ chỉ là một phần của em thôi, không ảnh hưởng gì đến việc em có thể lo lắng cho tương lai, phát triển bản thân hằng ngày, chịu trách nhiệm với những quyết định mình đã chọn, nhất là vẫn yêu thương, chăm sóc họ. Nếu định kiến là những người có phong cách alternative sẽ dễ buông thả bản thân thì em nên chủ động xoá bỏ định kiến bằng cách sống alternative nhưng vẫn sống tốt chứ đúng không?


Chị biết là câu trả lời trên không phải là câu em muốn nghe. Nếu em nghĩ là thứ chị nói ở trên nghe khó khăn quá thì em nghĩ đúng rồi đó. Sống như người trưởng thành rất là khó, không phải ai cũng làm được. Nhưng nó là con đường duy nhất để em vừa có thể là bản thân mình, vừa không đánh mất gia đình mình đó em. Khi mình có thể chọn cả hai thì tại sao mình chỉ chọn một, phải hong nè?


Mong là chị đã giúp em được phần nào.


Thương,


Chị Ong.

Comments


  • Facebook
  • Instagram
bottom of page