Disclaimer: Những thứ chị nói sau đây không nên được hiểu như sự thật không thể chối cãi (absolute truth) mà là một góc nhìn khác; để mấy đứa có thể thấy được là cùng một sự vật sự việc nhưng sẽ có nhiều cách nhìn khác nhau. Mấy đứa có quyền đồng ý hoặc không đồng ý, và dù bây chọn thế nào thì chị cũng mong bây có thể tự suy nghĩ cho mình.
Disclaimer 2: Bài này chị adapt lại từ bài sau của tác giả Natalie Lue of the podcast The Baggage Reclaim Session cho phù hợp với ngữ cảnh của người Á Đông hơn. Đứa nào tiếng tây ổn thì chị khuyên là nên bu vô đọc và nghe thử vì chị đã học được khá nhiều thứ từ chị này.
Chị tin rằng phần lớn những đau khổ trong cuộc đời đều bắt nguồn từ một niềm tin là chúng ta không đủ giỏi, không đủ [tự điền tính từ đẹp vào]. Niềm tin này được gieo vào tâm hồn khi chúng ta chỉ là những đứa trẻ, qua những sự kiện mà chúng ta hiểu sai qua cách suy nghĩ đơn giản của con nít. Xong rồi mình đi cả cuộc đời, tin vào câu chuyện “mình chưa đủ” đó, cố gắng bù đắp, cố gắng hoàn hảo, cố gắng cho đi để được nhận lại bất cứ sự yêu thương, chấp nhận nào.
Có một sự thật mất lòng như thế này nè mấy đứa:
Có những người phụ huynh không thể trở thành những người lớn chúng ta cần.
Không phải lỗi của chúng ta, không phải lỗi của họ, chẳng phải lỗi ai hết. Họ chỉ đơn giản là vậy thôi.
Có những người phụ huynh thật ra vẫn chỉ là những đứa trẻ bên dưới vẻ người lớn đó thôi. Họ sợ làm sai, sợ phải đối diện với cảm xúc đến nổi họ sợ luôn cố gắng. Họ làm những điều cơ bản, hoặc thật ra chẳng làm gì cả, để không phải đối diện với cảm giác có thể mắc sai lầm. Còn chúng ta thì cảm thấy bản thân lạc lõng, vô định, không rõ đúng sai do thiếu sự dẫn dắt của người lớn.
Có những người phụ huynh lúc còn trẻ đã phải đứng ra làm Trụ Cột, chăm sóc ngược lại cho phụ huynh, anh chị em trong gia đình. Cho đến bây giờ họ vẫn phải đang thực hiện vai trò đó. Họ không còn không gian nào trong tâm trí cho chúng ta nữa. Họ cũng không thể ngưng vai trò đó vì cảm giác tội lỗi kèm theo. Xã hội Châu Á đã đặt quá nhiều giá trị vào chữ Hiếu và chữ Nghĩa. Đến mức dành không gian, thời gian cho bản thân mình, gia đình riêng của mình trở thành thứ gì đó rất ích kỷ.
Có những người phụ huynh vô tình cho chúng ta cảm giác hạnh phúc của họ là trách nhiệm của chúng ta. Họ chỉ có thể cảm thấy toại nguyện khi chúng ta giỏi, đẹp, tốt và nhất là không bao giờ thể hiện bất cứ cảm xúc tiêu cực nào. Điều đó khiến chúng ta lớn lên với ý nghĩ rằng mình chỉ xứng đáng được thương khi chúng ta tốt. Là tình thương là một thứ có điều kiện rõ rệt.
Có những người phụ huynh nghĩ rằng tuổi thơ của họ đã quá khó khăn, cơ cực nên bất kỳ điều gì họ làm cũng đã “đỡ hơn nhiều rồi”; không nhận ra rằng thật ra họ làm chưa đủ. Không ít phụ huynh suy nghĩ rằng chỉ cần cho con mình một nơi để đi về, một cái bụng no đã là tất cả rồi, vì ngày xưa chính cả những thứ đó họ cũng không có.
Có những người phụ huynh thụ động. Vì nhiều lý do, họ không dám đứng lên bảo vệ, đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, và dù hoàn toàn không có ý đó, họ đã bỏ rơi chúng ta khi chúng ta cần họ nhất hoặc cần sự an toàn nhất. Vì sự thụ động đó, họ đã vô tình để chúng ta đi vào những tình huống nguy hiểm cho bản thân. Nếu có chuyện không may xảy ra, ta sẽ nhận mọi lỗi lầm cho chuyện đó về mình.
Có những người phụ huynh quá khắc khe với chúng ta vì đó là cách họ đối xử với bản thân.
Có những người phụ huynh không thể làm người dẫn đường cho chúng ta vì chính họ cũng đang lạc lối.
Có những người phụ huynh không nhận ra được những nỗi đau tuổi thơ họ đang mang, mãi đến khi họ trở thành phụ huynh. Những nỗi đau đó bộc phát cả vào cách họ nuôi dưỡng con mình mà họ chẳng hề hay biết. Họ đã không có ngôn ngữ để gọi những thứ họ trải qua là bạo hành, là bỏ rơi, mà chỉ có thể nói rằng họ đã “thiếu thốn nhiều thứ”.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho việc tại sao ba mẹ không thể là người ba mẹ mà chúng ta muốn, và tất cả không liên quan đến giá trị cá nhân, không liên quan tới chuyện chúng ta có lovable hay không.
Chúng ta vẫn nghĩ rằng khi có con rồi, một người sẽ thay đổi bản thân, trở nên tốt hơn vì con mình. Chúng ta đã được xã hội hứa rằng phụ huynh bỗng dưng sẽ trở thành những người thông thái, bao dung, trưởng thành để dẫn dắt chúng ta. Chúng ta và cả họ đã được hứa rằng chỉ cần có chúng ta, cuộc đời họ sẽ complete. Điều đó hoàn toàn không công bằng, cho cả chúng ta và họ.
Ba mẹ của chúng ta đã là những đứa trẻ. Họ, trên hết và trước nhất, vẫn là con người, với đầy đủ những nỗi đau, hoài bão, lỗi lầm.
Nhận ra được con đường họ đã đi, những điều đã làm nên con người họ hôm nay không phải là cái cớ để chúng ta biện hộ cho thiếu sót của họ. Nó hoàn toàn không có nghĩa rằng nỗi đau chúng ta đang trải qua là không thật hay nhỏ nhặt. Nó đơn giản chỉ có nghĩa là cách họ đối xử với chúng ta phần lớn không liên quan gì đến cá trị cá nhân của ta cả.
Chúng ta phải học cách dừng việc tự trách mình, tự làm nhỏ mình để sống vừa trong cái hộp mà ba mẹ đã định sẳn, cũng như trông chờ ở họ những thứ họ không thể cho chúng ta. Họ sẽ không thể 100% trở thành con người chúng ta trông chờ; điều này khả thi ngang với việc chúng ta trở thành người con họ muốn 100% vậy.
Có những người phụ huynh không thể trở thành những người lớn chúng ta cần. Tuy vậy, có những người khác có thể, mấy đứa biết là ai không? Là chính chúng ta và những con người chúng ta chọn để đi vào cuộc đời mình. Những chuyện đã xảy ra không phải lỗi của chúng ta, song những thứ sẽ diễn ra hoàn toàn là trách nhiệm của chúng ta đó. Nhận ra rằng phụ huynh không thể cho mình thứ mình cần không phải là để mình chuyển sự trách cứ từ bản thân lên họ, mà là để giải phóng chúng ta khỏi cảm giác tội lỗi chúng ta đáng lý ra không cần phải mang. Để chúng ta có thể chọn những bước đi tiếp theo phù hợp với con người thật của mình hơn, từ từ trở thành người mình mong muốn.
Cuối cùng, chỉ có chúng ta sẽ sống với những lựa chọn của mình thôi. Điều này là giải phóng hay đáng sợ chính là do mấy đứa đó.
Thương,
Chị Ong.
Commentaires