top of page

Phụ Nữ không "cằn nhằn", tụi tui chỉ rất nản thôi.

Tác giả: Gemma Hartley

Dịch: Chị Ong No.

Published: Sep 27, 2017 on Harpers Bazaar

 

Vào Ngày Của Mẹ, tui chỉ cầu có một thứ: thuê người lại dọn dẹp cái nhà cho tui. Đặc biệt là nhà tắm và sàn, chùi giùm mấy cái cửa sổ luôn nếu lấy giá dễ thương. Món quà thiệt sự tui muốn ở đây không phải là chuyện không bò ra dọn, mà là tui sẽ thảnh thơi không phải bỏ công ngồi lên kế hoạch. Tui sẽ không phải gọi điện, hỏi giá, tìm hiểu với đánh giá, lên kế hoạch với trả tiền. Món quà thiệt sự mà tui muốn chính là không phải làm mấy cái việc con con không tên xung quanh cái việc chính mà tui đã lầy bữa giờ. Cái nhà sạch chỉ là bonus thêm thôi.


Thằng chồng tui chờ tui đổi ý qua gì đó “dễ hơn”, gì đó nó có thể đặt trên Shopxx liền tay. Nhưng rồi nó cũng phải đặt tại vì tui đã quyết chí. Trước ngày Mother’s Day, nó gọi đúng một chỗ, tự thấy mắc, xong quyết định nó sẽ xắn tay áo dọn cho tui. Đương nhiên là nó cũng có nói cho tui biết cái giá trên trời đó nữa (tại tui giữ tiền); xong nó hỏi “’Ủa em còn muốn đặt không”. Tui nghe mà mắc nản.


Cái tui muốn là nó PM mấy đứa bạn hỏi coi có chỗ nào không, gọi 4-5 chỗ nữa, làm những việc mà tui vẫn làm mỗi khi cần thuê dịch vụ. Bữa giờ là tui đã muốn thuê người lại dọn lắm rồi. Lý do làm tui lần lữa một phần là tại thấy tội lỗi vì mình đã làm biếng, phần nữa là do tui không muốn đụng vô mấy chuyện kể trên. Nghĩ tới thôi là thấy mệt kinh khủng rồi. Đó là lý do tại sao tui yêu cầu thằng chồng tặng tui một buổi ở không giùm.

Theo DR. Michele Ramsey, Associate Professor of Communication Arts and Sciences at Penn State Berks, mọi người thường nghĩ lao động cảm xúc với giải quyết vấn đề là cùng một thứ. “Có quan niệm rất phân biệt giới tính là ‘đàn ông giải quyết vấn đề tốt hơn, vì phụ nữ quá cảm tính”, bà nói, “Nhưng thật ra thì ai mới là người giải quyết phần lớn vấn đề ở nhà cũng như ở chỗ làm?”.

Với tư cách là giám đốc tài chính của chồng và 3 đứa con, tui cảm thấy tui biết rõ câu trả lời rồi. Cái hôm định mệnh đó, tui đã được tặng một cọng dây chuyền, trong khi thằng chồng chà nhà tắm, để một mình tui chăn 3 đứa nhỏ và nguyên cái nhà banh chành.


Trong suy nghĩ của nó, nó đang cho tui cái thứ tui muốn - nhà tắm sạch kin kít mà không phải tự bò ra làm. Thành ra nó nổi cáu khi tui đi ngang qua mà không thèm nhìn tới thành quả lao động của nó. Tại sao không nhìn? Tại tui mắc dọn đôi giày, áo với đôi vớ mà nó thảy ra trên sàn. Tui cũng mém té vì đống thùng để giữa nhà mà nó kéo xuống 2 ngày trước. Mà để dọn được thì tui phải nê ghế từ trong bếp ra để xếp lại lên đầu tủ.


“Ủa sao không kêu, anh làm cho” - Nó nói khi thấy tui chật vật. Tui nổi điên. Chuyện rõ như ban ngày là đống thùng cần được dẹp đi. Chỉ cần 5 giây nó cúi xuống, lượm để lên đầu tủ; nhưng không, nó đã lơ đi trong 2 ngày trời. Tui phải mở miệng ra nhắc thì nó mới dẹp đi bãi chiến trường chính nó đã bày ra.


”Tui không muốn phải kêu, anh hiểu chưa?!”- Tui khóc.


Sau khi hết khóc và đỡ tức, tui phải nói với nó là tui rất trân trọng việc nó đã chà nhà tắm, nhưng sẽ tốt hơn nếu nó làm vào khi khác (khi tụi nhỏ đã ngủ). Xong rồi tui phải giải thích cho nó concept Lao Động Cảm Xúc: tui là quản lý của cả cái nhà, việc của tui là phải suy nghĩ HẾT TẤT CẢ MỌI THỨ rồi. Nếu giờ tui phải nhắc nó làm thứ bản thân nó phải tự biết, thì tui rất rất rất là mệt. Tui phải giải thích cho nó hiểu là trong 2 ngày đó tui đã xốn mắt đống thùng 20 lần. Nhưng nó chỉ để ý khi tui đang khiên cất lên đầu tủ. Ngay cả cái chuyện đứng ra giải thích này cũng đã thử thách kiên nhẫn của tui.


Sống mà phải giữ hòa khí gia đình và không làm bạn đời bực là điều mà phụ nữ đã được dạy phải chấp nhận từ khi còn nhỏ.

“Nói chung, chúng ta đã chia cảm xúc theo giới tính khi cứ nói phụ nữ luôn luôn, về mặt tự nhiên và sinh học, quản lý cảm xúc tốt hơn nam giới” - Dr. Lisa Huebner, giáo sư xã hội học về giới, người đã viết và giảng dạy về chủ đề Lao Động Cảm Xúc tại Đại Học West Chester của Pennsylvania cho hay. “Đương nhiên là vẫn có những cá nhân làm việc này tốt hơn những cá nhân khác, nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn là việc này được quyết định dựa tên giới tính sinh học. Cùng lúc đó (theo tôi không phải khác biệt bẩm sinh), xã hội chúng ta đã hướng các trẻ em gái và phụ nữ phải chịu trách nhiệm về mặt cảm xúc còn nam giới thì không”

Chồng tui là một người đàn ông tốt, là một người tin vào nữ quyền. Tui có thể thấy được ảnh rất cố gắng hiểu khi tui giải thích cho ảnh nghe. Nhưng thật sự thì ảnh vẫn không hiểu. Ảnh nói sẽ cố gắng phụ tui dọn dẹp nhiều hơn, chỉ cần tui hỏi thôi.


Vấn đề vẫn nằm ở đó. Tui không muốn phải quản lý từng li từng tí một. Tui muốn một người bạn đời có cùng mức độ tự giác.


Tuy nhiên tui không thể nói thẳng như vậy được. Chồng tui, dù nó có tốt tính và biết suy nghĩ, vẫn phản ứng lại những nhận xét trên theo hướng tiêu cực. Trường hợp khả thi nhất, ảnh sẽ nghĩ là tui đang công kích cá nhân ảnh. Nếu tui chỉ ra những lao động cảm xúc mà tui phải làm - nhắc ảnh sắp tới sinh nhật mẹ ảnh, ngày giỗ quảy, nắm thời khóa biểu của tụi nhỏ, tìm người nhờ chăm con mỗi khi hai vợ chồng đi công chuyện, đi chợ, quyết định ăn cái gì, đi theo dọn dẹp sau mấy cha con nó, giặt giủ ủi đồ - thì ảnh sẽ nghĩ là tui đang cằn nhằn “Coi tui phải làm hết trong khi anh không làm nè. Anh là một thằng chồng tệ vì đã không phụ tui”.


Phải làm lao động cảm xúc trong gia đình làm phụ nữ dễ “quạu”. Đó là từ tui hay nghe nhất khi nói chuyện với những người phụ nữ khác cùng chung hoàn cảnh. Dễ “quạu” vì phải chịu quá nhiều trách nhiệm, không ai công nhận những trách nhiệm đó và không gì có thể thay đổi mà không dẫn tới cãi vả.


“Thứ làm tui bực nhất là tui sẽ bị nói là cằn nhằn nếu nhắc đến lao động cảm xúc” - Kelly Burch, một nhà báo tự do và đa phần làm việc ở nhà cho hay. “Chồng tui luôn bực nếu tui nhắc tới những thứ ảnh không làm. Ảnh sẽ im lặng. Tui biết là bị nhắc hoài sẽ cảm thấy mệt chứ, nhưng tui chưa tìm ra được cách nào khác để chỉ cho ảnh thấy mức năng lượng tinh thần mà tui phải bỏ ra để theo cái nhà.”

Thậm chí chỉ nói về chủ đề này đã là lao động cảm xúc rồi. Tới mức mà tui phải quyết định coi cái nào ít tốn sức hơn, nói cho chồng tui hiểu và im lặng tự thân đi làm. Thông thường thì tui sẽ làm cái sau, tự nhủ là có được thằng chồng chịu làm mỗi khi tui nhờ đã là diễm phúc của mình rồi. So với những ông chồng khác tui biết, trong gia đình và bạn bè, thì chồng tui đã phụ tui rất nhiều. Ảnh rửa chén mỗi ngày. Ảnh hay nấu cơm tối. Ảnh trông con mỗi tối khi tui làm việc. Nếu tui nhờ bất cứ việc gì, ảnh sẽ làm mà không than thở. Nên đôi khi tui cảm thấy mình sẽ quá tham lam nếu tui đòi hỏi nhiều hơn.


Ấy vậy mà tui vẫn nghĩ mãi đến chuyện phụ nữ làm hết những việc sắp xếp trong nhà sẽ dẫn đến sự bất công ngay từ mức độ cá nhân. Làm sao chúng ta có thể dạy những đứa nhỏ về một gia đình bình đẳng, khi rõ ràng là mẹ chúng vẫn phải quản lý hết mọi thứ, giao việc và đốc thúc, hoặc tự làm một mình? Tui có thể cảm nhận được 2 đứa con trai và đứa con gái của tui nhìn thấy sự bất công này hằng ngày; và nhìn thấy được tương lai của chúng sau này.


Khi tui chải và cột tóc kiểu cho đứa con gái, đó là chuyện tui phải làm. Khi chồng tui chải tóc cho con bé, ảnh cần được công nhận ngay lúc đó - nói với tui và con bé rằng ảnh mất cả 15 phút để làm. Còn rất nhiều ví dụ cho những việc là nghĩa vụ với tui nhưng là một thành tích với ảnh. Hầu hết chúng có vẻ nhỏ nhặt, nhưng ngụ ý đằng sau không hề nhỏ.

Con trai tui sẽ khoe đã dọn phòng hoặc bất cứ việc nhà nào nó làm. Con gái tui cũng làm những việc tương tự nhưng trong im lặng. Tụi nó chỉ mới 6 và 4 tuổi thôi. Nên nếu tôi không nói về lao động cảm xúc và chủ động thay đổi vai trò thì con cái tôi sẽ đi theo con đường y chang như vậy. Tụi nhỏ đã bước những bước đầu tiên trên con đường bất công này rồi.


“Trẻ em học cách giao tiếp và vai trò giới (trẻ em đã có thể nhận ra cách ứng xử “phù hợp” với giới của mình từ 3 tuổi) từ môi trường xung quanh, nhưng cha mẹ chính là người chúng bắt chước sát nhất” - Dr. Ramsey nói. Nếu chúng ta muốn thay đổi vai trò trong lao động cảm xúc, mọi thứ phải bắt đầu từ ở nhà. “Với phụ huynh, nó có nghĩa là không để chỉ một bên làm lao động cảm xúc. Và khi nhắc đến dạng lao động này, các bé gái nên được dạy rằng các em không có nhiệm vụ phải làm điều đó; cũng như các bé trai sẽ học được rằng các em không nên giao lao động cảm xúc cho phái nữ. Các trẻ có cơ hội nhìn cha mẹ mình chia sẻ lao động cảm xúc bình đẳng trong nhà sẽ lớn lên trở thành những người mong muốn điều đó trong cuộc sống của mình.”

Tui biết rằng việc thay đổi này không hề dễ, cũng như tui không ảo tưởng nghĩ rằng sẽ chia đều được đúng 50/50 (sự thiệt là tui thích lên kế hoạch đi chơi với nấu nướng hơn ảnh nhiều). Tui cũng có kinh nghiệm làm chuyện này hơn vì đã được thực tập cả đời rồi. Nhưng nếu tụi tui may mắn, ảnh còn cả phần đời còn lại để trao dồi kỹ năng lao động cảm xúc của mình, từ đó thay đổi cả con đường mà đám nhỏ của tụi tui sẽ đi. Và những cậu con trai của chúng ta sẽ học được cách tự nâng lấy gánh nặng của mình. Còn những cô con gái của chúng ta sẽ không có nghĩa vụ gánh thêm gánh nặng của người khác nữa.


Link gốc:

https://www.harpersbazaar.com/culture/features/a12063822/emotional-labor-gender-equality/

Comments


  • Facebook
  • Instagram
bottom of page